THÀNH LẬP TỔ NGHIÊN CỨU VỀ TÀI SẢN ẢO, TIỀN ẢO

Trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa có quyết định thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tổ nghiên cứu có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất các nội dung chính sách, cơ chế quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.

Tổ nghiên cứu gồm 9 thành viên, do ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán nhà nước làm tổ trưởng. Các thành viên còn lại thuộc Ủy ban chứng khoán, Vụ chính sách (Tổng cục Thuế), Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Vụ pháp chế, Cục giám sát quản lý về hải quan, Viện Chiến lược và chính sách tài chính.

Tại Việt Nam hiện nay bitcoin vẫn chưa được công nhận là phương tiện thanh toán và tiền điện tử hay bitcoin không được xem là một loại tiền hay tài sản. Mặc dù các hoạt động liên quan đến tiền điện tử không được công nhận nhưng việc mua bán trao đổi hay lưu trữ tiền điện tử thì không bị cấm.

Trên thế giới, dù rất nhiều nước chưa thừa nhận là tiền tệ nhưng các đồng tiền ảo (hoặc có thể gọi khác là tiền điện tử) hình thành từ công nghệ blockchain, vẫn đang được giao dịch, trao đổi, làm trung gian thanh toán.

Trước những diễn biến phức tạp, rủi ro và hệ lụy khó lường và tiêu cực của tiền ảo đối với thị trường Việt Nam, ngày 11/4/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác, trong đó đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành liên quan, Ngân hàng Nhà nước,… phòng ngừa, kiểm soát các giao dịch, hoạt động tiền ảo, giảm thiểu tối đa những tác động, ảnh hưởng tiêu cực của tiền ảo đến người dân và xã hội.

Ngày 13/4/2018, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền ảo, trong đó NHNN đã có những chỉ đạo, yêu cầu cụ thể đối với tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện một số giao dịch, nghiệp vụ liên quan tới tiền ảo; tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch, hoạt động đáng ngờ có liên quan tới tiền ảo, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền và quản lý ngoại hối.

Theo công ty nghiên cứu thị trường tiền ảo CryptoCompare, vào cuối tháng 11/2017, 80% giao dịch Bitcoin xuất phát từ châu Á, trong đó có 4 thị trường lớn nhất là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. Số lượng truy cập từ Việt Nam vào một số sàn giao dịch Bitcoin hay trang thông tin tiền ảo trên thế giới như Bittrex, Poloniex, Coinmarketcap,… luôn nằm trong Top 5 cùng các nước Mỹ, Nga, Nhật Bản.

Theo Việt Dũng/tapchitaichinh.vn

Trả lời