(SEAFIT): Ngày 11/01/2023, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Văn phòng Chính phủ số 35 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Tài chính, Đầu tư và Hợp tác, Thương mại Đông Nam Á (SEAFIT) cùng với Viện Nghiên cứu Văn hóa Phương Đông và một số cơ quan hữu quan sẽ phối hợp tổ chức chương trình TẾT BA MIỀN – CHÀO XUÂN 2023 với chủ đề: Vì một Việt Nam phát triển, góp phần liên kết cộng đồng kinh tế ASEAN bền vững, thịnh vượng. Tại diễn đàn sẽ có giao lưu, đối thoại với Đại biểu Quốc hội và Lãnh đạo của Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội khóa XV. Thay mặt lãnh đạo Viện SEAFIT, TS. Nguyễn Dũng Thương – Chủ tịch kiêm Viện trưởng sẽ có bài phát biểu tại diễn đàn. Sau đây, Viện SEAFIT đăng toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch/Viện trưởng Nguyễn Dũng Thương cùng bạn đọc.
KIẾN NGHỊ CỦA VIỆN NGHIÊN CỨU TÀI CHÍNH, ĐẦU TƯ VÀ HỢP TÁC THƯƠNG MẠI ĐÔNG NAM Á: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, THỰC HIỆN TỐT CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ PHỤC HỒI, CẢI CÁCH MÔI TRƯỜNG KINH DOANH VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG THỰC THI
– Kính thưa Ông Tạ Văn Hạ, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội!
– Kính thưa các Quý vị đại biểu, khách quý. Kính thưa Quý doanh nhân, doanh nghiệp, thầy thuốc, lương y, các nhà hoạt động xã hội, các nghệ nhân!
Chúng ta vừa bước vào những ngày đầu tiên của năm 2023 khi vẫn ngập tràn những cảm xúc về một năm đầy biến động của thị trường, trong bối cảnh nền kinh tế khu vực và thế giới phải đối mặt với tác động và ảnh hưởng nặng nề của đại dịch covid – 19, cũng như xung đột quân sự Nga – Ukcaina, tuy nhiên các chỉ số kinh tế cho thấy nền kinh tế của khu vực ASEAN vẫn tăng trưởng mạnh mẽ và các quốc gia – trong đó có Việt Nam – vẫn đang tăng cường hội nhập, thúc đẩy hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực: chống dịch, phát triển kinh tế, thương mại, vì hoà bình và ổn định khu vực, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân các nước. Sự hợp tác toàn diện được coi là chìa khóa của sự phát triển và đảm bảo an ninh kinh tế của mỗi quốc gia.
Năm 2022, nền kinh tế Việt Nam đạt kết quả cao hơn hẳn so với chỉ tiêu kế hoạch ban đầu, thể hiện rõ sức vươn, quyết tâm vượt khó của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp. Hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi nhanh ở tất cả các khu vực kinh tế. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 8,02% so với năm 2021, mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Kết quả xuất khẩu, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài cũng ghi dấu ấn rõ nét bên cạnh việc kiểm soát tốt lạm phát…
Tuy nhiên, năm 2022 kinh tế Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn như: Chi phí sản xuất đầu vào tăng cao đã ảnh hưởng đến trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Sản xuất công nghiệp trong quý IV-2022 có xu hướng giảm dần do đơn hàng sụt giảm, chi phí đầu vào ở mức cao và thiếu hụt nguồn cung nguyên, vật liệu. Xuất, nhập khẩu cũng có xu hướng chững lại. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 19,5% so với năm trước…
Kính thưa quý vị đại biểu, quý doanh nhân, đơn vị, cá nhân!
Năm 2023, dự báo tình hình thế giới sẽ tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp cả về chính trị, kinh tế – xã hội trong khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn. Trong nước, các yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ tăng lạm phát là rất lớn, nhất là biến động giá nguyên, vật liệu đầu vào, chi phí sản xuất tăng cao, rủi ro về chuỗi cung ứng. Ngoài ra, còn có tác động từ thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu…
Như vậy, có thể thấy nhiều thách thức đặt ra đối với nền kinh tế trong năm 2023. Trong bối cảnh này, Quốc hội đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 là 6,5%, tuy thấp hơn kết quả đạt được của năm 2022 nhưng vẫn là mục tiêu đầy thách thức.
Các động lực chính cho tăng trưởng kinh tế là ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện rõ vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, không chỉ bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước mà còn khẳng định vị trí của Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu, đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.
Cùng với đó, cầu tiêu dùng phục hồi sau dịch Covid-19 và được hỗ trợ tối đa từ nhu cầu du lịch trong nước tăng mạnh từ giữa và nửa cuối năm 2022 sẽ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Xuất khẩu hàng hóa là động lực quan trọng, tiếp đà đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm; tập trung vào mặt hàng đạt giá trị cao và có lợi thế. Đầu tư công cũng là vốn mồi cho các hoạt động sản xuất, kích cầu và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của nền kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Kính thưa Đại biểu Quốc hội!
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đánh giá cao Quốc hội, Chính phủ, trong thời gian vừa qua đã tạo dựng được môi trường kinh doanh ổn định, thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh, giúp cho các doanh nghiệp lấy lại được nhịp độ tăng trưởng mới.
Để tiếp tục tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tới, là một cơ quan nghiên cứu về Tài chính, Đầu tư – Hợp tác, Thương mại, tôi xin thay mặt cho doanh nghiệp xin kiến nghị 5 giải pháp lớn cần thực hiện như sau:
Thứ nhất, Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình hỗ trợ phục hồi đã được Quốc hội thông qua (tại Nghị quyết 43 của Quốc hội) và Chính phủ ban hành (Nghị quyết 11 của Chính phủ), đặc biệt là các nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như hỗ trợ lãi suất tín dụng 2% đối với các khoản vay thương mại quy định tại Nghị định 32/2022/NĐ-CP, các chương trình hỗ trợ người lao động trong thuê nhà, đào tạo nghề…
Thứ hai, hiện nay một số ngành đang phục hồi mạnh mẽ như du lịch, dịch vụ đang đối mặt với khó khăn về thiếu hụt nhân lực. Chất lượng nguồn nhân lực cũng đang là một cản trở trong thu hút đầu tư FDI, đặc biệt với các dự án có công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn. Do vậy Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cùng các địa phương đẩy mạnh các chương trình tư vấn, giới thiệu việc làm có chất lượng, hiệu quả. Cần ưu tiên và đẩy mạnh các chương trình đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nhân lực trong thời gian tới.
Thứ ba, đẩy mạnh chương trình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Tập trung cải cách một số lĩnh vực thủ tục hành chính có tác động lớn đến doanh nghiệp và còn nhiều phiền hà theo phản ánh từ các doanh nghiệp như đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, xây dựng, quản lý thị trường, giao thông, phòng cháy, môi trường, kho bạc và lao động…
Thứ tư, nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan FTA, khơi thông các chính sách liên quan đến quy tắc xuất xứ. Việt Nam hiện có 15 FTA đang có hiệu lực trong đó có nhiều thị trường lợi thế khi các quốc gia cạnh tranh chính của Việt Nam chưa có FTA. Đề nghị cần có chương trình hành động cụ thể và thiết thực nhằm nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan FTA để xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá và xử lý các vướng mắc về chính sách liên quan tới quy tắc xuất xứ trong các FTA
Thứ năm, nâng cao hơn nữa hiệu quả thực thi của bộ máy chính quyền các cấp. Cần có giải pháp kiểm tra quá trình triển khai thực hiện, quan tâm nâng cao hiệu quả thực thi của các bộ, ngành và chính quyền các địa phương. Đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu; kịp thời động viên, khen thưởng những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chủ động đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, kết hợp tháo gỡ các điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp./.
Trân trọng cảm ơn./.