NGÀNH ĐIỆN TRƯỚC NGUY CƠ THIẾU HỤT NGUỒN CUNG

Mất cân đối cung – cầu
Theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét triển vọng đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII), đến năm 2020 tổng công suất nguồn của hệ thống điện quốc gia cần đạt 60.000 MW, tới năm 2025 là 96.000 MW và tới năm 2030 là 130.000 MW. Tuy nhiên, hiện nay tổng công suất nguồn toàn hệ thống mới có 45.000 MW, nghĩa là tốc độ tăng trưởng nguồn điện để đáp ứng nhu cầu điện cho đời sống, sản xuất và nền kinh tế giai đoạn tới là vô cùng lớn và hiện vẫn chưa đảm bảo lộ trình đề ra. Thách thức lớn nhất hiện nay là sự mất cân đối nguồn cung theo vùng miền của hệ thống điện.
Cụ thể, nguồn điện miền Bắc cung cấp được 95 tỷ kWh nhưng chỉ tiêu dùng 75 tỷ kWh. Miền Trung cung cấp được 32 tỷ kWh nhưng chỉ tiêu dùng khoảng hơn 17 tỷ kWh, còn khu vực miền Nam, sản xuất tại chỗ được 70 tỷ kWh nhưng tiêu dùng tới 85 tỷ kWh, chiếm gần 50% tổng nhu cầu điện cả nước. Đó là lý do năm 2017 và các năm trước, đường dây 500kV Bắc – Nam luôn phải truyền tải điện công suất cao từ Bắc vào Nam.
Năm 2017, sản lượng điện truyền tải từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam đạt trên 21,6 tỷ kWh, tương đương 23% nhu cầu điện miền Nam, tăng tới 46% so với năm 2016. Công suất truyền tải lớn nhất trên hệ thống đường dây Trung- Nam trên 4.600 MW. “Với thực trạng hiện nay, giải pháp đầu tiên là phải cơ cấu lại các nguồn trong từng khu vực phù hợp với nhu cầu phụ tải của khu vực hoặc phải có hệ thống truyền tải kết nối. Tuy nhiên, hệ thống đường dây truyền tải điện từ Bắc – Trung vào Nam đã cạn, nếu tăng công suất truyền tải sẽ không đảm bảo an toàn”, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam chia sẻ.
Ông Nguyễn Phước Đức, Phó Tổng Giám  đốc Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) cho biết, hiện nay các nhà máy điện ở khu vục miền Nam không đáp ứng được nhu cầu phụ tải, dự báo từ năm 2021-2022 xảy ra tình trạng thiếu hụt khoảng 1,2-1,6 tỷ kWh/năm và còn có thể cao hơn trong trường hợp các dự án nhiệt điện than không đáp ứng tiến độ hoàn thành như: Long Phú 1, Sông Hậu 1 hay BOT Duyên Hải 2, chuỗi dự án khí lô B…
“Theo quy hoạch, trong 5 năm 2018-2022, tổng công suất các nguồn điện mới dự kiến đưa vào vận hành là 34.964MW, trong đó nhiệt điện là 26.000MW. Nhưng thực tế hiện nay chỉ có 7 dự án nhiệt điện than (7.860MW) đã được khởi công và đang triển khai xây dựng. Như vậy, còn trên 18.000MW/26.000MW các dự án nhiệt điện than dự kiến vào vận hành trong 5 năm tới nhưng đến nay chưa xây dựng, nên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc cung ứng điện các năm tiếp theo. Đặc biệt, mỗi dự án nhiệt điện than (1.200MW) tại miền Nam bị chậm tiến độ sẽ làm mức độ thiếu điện tăng thêm từ 7,2-7,5 tỷ kWh/năm”, ông Nguyễn Phước Đức cho biết.
Lên kế hoạch gia tăng nhập khẩu
Trên thực tế, từ năm 2015, Việt Nam đã chính thức chuyển từ quốc gia xuất khẩu năng lượng sang nhập khẩu với tổng số 3% nhu cầu năng lượng sơ cấp phải nhập. Tỉ lệ này dự kiến sẽ tăng lên mức 24% vào năm 2030. “Nếu không đẩy mạnh tiến độ các dự án điện, đặc biệt là phát triển năng lượng tái tạo, thì tỉ lệ nhập khẩu có thể lên đến 44% nhu cầu năng lượng sơ cấp vào năm 2030, thay vì 24% như đã dự báo ở trên”, ông Nguyễn Văn Vy, đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cảnh báo.
Để bù đắp khoản thiếu hụt nguồn cung hiện nay, ngoài việc đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn điện, thì nguồn bổ sung cấp bách là hướng đến gia tăng nhập khẩu. Ngoài những thị trường truyền thống lâu nay, Lào được xem là đối tác chiến lược xuất khẩu điện sang Việt Nam rất tiềm năng. Cụ thể, Bộ Công Thương đang xây dựng đề án Chiến lược phát triển ngành điện lực Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Theo đề án này, EVN có thể nhập khẩu nguồn điện sản xuất từ nước Lào láng giềng để bổ sung cho nhu cầu sử dụng năng lượng trong các năm tới. Nhiều chính sách hướng đến hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, xây dựng dự án đường dây siêu cao áp 500kV để nhập khẩu điện về Việt Nam đã được ban hành.
Ngoài ra, việc ký Bản ghi nhớ về việc mua bán điện giữa EVN với một loạt các nhà đầu tư dự án nguồn điện tại Lào cũng đã được thực hiện. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại, việc mua điện từ Lào sẽ gây ra nhiều hệ lụy về môi trường, bên cạnh giá cả khá đắt đỏ. Bởi ước tính chi phí làm đường dây tải điện từ Lào về Việt Nam chừng 10.000 – 15.000 USD/km (giá tham khảo suất đầu tư làm đường dây tải điện từ Lào sang Thái Lan).
Ở những vùng hiểm trở thuộc dãy Trường Sơn, chi phí này còn cao hơn. Ngoài ra, để làm đường dây tải điện từ Lào về Việt Nam, nhiều cánh rừng phải tiếp tục hy sinh cho xây dựng và vận chuyển thiết bị. “Chắc chắn với địa hình hiểm trở, khoảng cách xa, khó quản lý và bảo dưỡng thì tổn thất điện năng trên đường dẫn sẽ cao hơn. Chính sách này sẽ khuyến kích Lào xây dựng thêm nhiều công trình thủy điện nữa trên dòng Mê-kông và tiếp tay hủy diệt nguồn sống ở Việt Nam”, đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam phân tích.
Để giải quyết vấn đề, nhiều chuyên gia nhấn mạnh cần tập trung 2 giải pháp: một là vận động tiết kiệm điện và hai là nhanh chóng triển khai các dự án điện năng lượng mặt trời – nguồn tài nguyên dồi dào ở Việt Nam. Thu hút đầu tư khai thác nhanh các nguồn năng lượng sạch sẽ bền vững và an toàn hơn việc gia tăng nhập khẩu điện như kế hoạch đang đề ra.

LẠC PHONG

Trả lời